DẠY CON - Sửa sai bao giờ cũng mệt hơn làm lại từ đầu

DẠY CON - Sửa sai bao giờ cũng mệt hơn làm lại từ đầu


Có một gã ăn xin ngày nào cũng đến tiệm tạp hóa xin tiền, ông chủ tiệm tạp hóa tốt bụng nên ngày nào cũng cho anh ta 10 đồng. Sau một thời gian dài như vậy, một hôm ông chỉ cho anh ta 5 đồng. Gã ăn mày bức xúc hỏi : sao ông chỉ cho tôi 5 đồng. Ông chủ tiệm tạp hóa trả lời : “vì hôm qua tôi mới cưới vợ”. Gã ăn xin nổi khùng nhảy vào vừa đánh ông vừa la lên : “Sao ông lấy tiền của tôi cho vợ ông ?”.
Câu chuyện trên phản ánh rất đúng quy luật tư duy của não con người (động vật cũng như vậy): Khi được hưởng một lợi ích trong một thời gian dài, não sẽ hiểu nó là “đương nhiên” và khi không còn nữa thì sẽ phản ứng tiêu cực như gã ăn xin kia.
Ngẫm lại cách dạy con của chúng ta hiện nay, chúng ta đang trực tiếp đào tạo ra những thế hệ tương lai ích kỷ và lười biếng tương tự như gã ăn xin kia. Nhưng chúng ta chỉ nhận thức ra khi trẻ bắt đầu vào tuổi trưởng thành và khi chúng ta bắt đầu thấy mình trở thành “ông chủ tiệm tạp hóa”, còn con cái chúng ta sẽ đóng vai các “gã ăn xin”.
Hồi con tôi còn bé, nhà tôi đến bữa ăn, thường là bà giúp việc xúc cơm và thức ăn vào bát cho các cháu ăn (đứa nào ăn chậm thì bà cũng xúc luôn cho nhanh để còn dọn một thể). Khi cháu lớn vào cấp 2, cháu bé vào lớp 1 gia đình không nhờ giúp việc nữa với mong muốn cho các con tự lập bắt đầu từ làm việc nhà. Hôm đầu tiên không có người giúp, đến bữa ăn, khi mọi thứ bố mẹ đã dọn ra mâm, bố mẹ bắt đầu ăn còn hai nhóc ngồi nhìn và “chờ đợi”. Khi nhận ra là không có ai giúp, chúng mới tự ăn có vẻ thấy “sao lại vất vả thế nhỉ”.
Các việc tương tự cũng diễn ra khó khăn như vậy từ việc cá nhân của chúng như đánh răng rửa mặt, tắm rửa, mặc quần áo đi học, làm bài tập ở nhà đến các việc trong gia đình khác như cắm nồi cơm hay rửa bát, để “huấn luyện” được một kỹ năng đều rất vất vả vì đơn giản “trong não của chúng đã tự hiểu là việc này trước đây là việc của người khác”. Gốc rễ là mình đã làm hộ những việc thuộc trách nhiệm của trẻ trong một thời gian dài. Điều này sẽ hủy diệt các nhu cầu và sự cố gắng của trẻ --> não trở nên lười và hay đòi hỏi hơn --> trẻ ích kỷ hơn. Nguyên nhân là chúng ta không kiên nhẫn để dạy chúng tự làm, vì áp lực thời gian hay ở trường là áp lực về thành tích nên chúng ta làm hộ và nghĩ hộ trẻ. Dạy chúng tự nghĩ, tự làm bao giờ cũng khó hơn làm hộ chúng.
Và đến tận bây giờ, khi thằng lớn nhà tôi sắp hết lớp 11, cứ việc gì mình hay làm cho nó là khi cần nó lại nhờ mình làm.
Sáng nay, mình đang bận thì nó bảo “bố ơi cái sim 2 điện thoại của con bi lỏng không nhận”, “bố ơi ốp lếp hộ con 2 quả trứng, nhớ ốp lòng đào nhé” . Mình bảo do bị lỏng sim, nó tháo ra lắp lại thì nó thản nhiên bảo : “sim này bố lắp cho con mà” --> điên tiết quá mình bảo : sao việc gì mày cũng gọi bố thế, lớn rồi không tự mà làm đi, nó bảo : sao việc gì bố cũng gắt lên thế --> bố bằng con, HÒA 1-1. Bực mình mình bảo nó tự ra mà ốp trứng, thế là nó không ăn trứng nữa (vì não nó cảm thấy bất công, bố mẹ vẫn thường làm việc này mà) --> mình thua, nó chả cần.
Con mèo nhà tôi cũng vậy, nuôi nó gần 10 năm, hàng ngày chỉ cho ăn hạt thức ăn, không cho ăn thêm gì khác nó vẫn rất happy. Gần đây vợ phát hiện ra nó thích ăn ruốc và ăn ruốc nó lên cân nên vợ tôi mua ruốc trộn với hạt cho nó ăn. Và chỉ sau vài tháng, mỗi lần cho nó ăn, khi xúc hạt vào bát xong nó không ăn ngay mà chạy ra ngồi trước cửa tủ lạnh chờ ruốc. Nếu cho một ít ruốc thì nó mới ăn, không thì phải rất đói nó mới ăn hạt --> Não mèo phản ứng giống não người phết nhỉ.
Một khó khăn nữa khi dạy con lao động là môi trường ở trường học, bọn trẻ giờ sướng hơn, nhất là các nhà có điều kiện thường chỉ ưu tiên cho con cái học hành, vui chơi mà không yêu cầu làm việc nhà --> khi chúng phải lao động não chúng sẽ thấy “bất công” “ bức xúc” giống gã ăn xin hay con mèo kia. Chúng có thể không ăn để “biểu tình”. Mình bảo con mình phải lao động, nó bảo lớp con chả đứa nào phải làm --> LẠI THUA
Môi trường giáo dục gia đình và nhà trường giờ quá chú trọng vào dạy kiến thức. Việc áp đặt quá nhiều kiến thức và giải quá nhiều bài tập theo mẫu để vượt qua các kỳ thi cũng làm cho não lười nghĩ và kém sáng tạo. Ngoài ra cần dạy trẻ có ý thức tự lập, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội. Kỹ năng lao động, các kỹ năng khác quá thiếu nên khi phải làm việc gì đó không quen (dù là rất dễ) não của chúng cũng sẽ phản ứng tiêu cực và bức xúc, chúng dễ dàng bỏ qua và mặc kệ hoặc tệ hơn là quay ra “hành tỏi” CÁC ÔNG CHỦ TIỆM TẠP HÓA.
Sưu tầm

Đăng nhận xét

0 Nhận xét